1. Khẳng định vị thế ngành
Công nghiệp hóa chất là một ngành công nghiệp có sự đa dạng về sản phẩm, phục vụ cho tất cả các ngành liên quan đến kinh tế kỹ thuật như: Sản xuất phân bón, hợp chất ni tơ, plastic, cao su tổng hợp dạng nguyên sinh, chất tẩy rửa, sơn, vecni..., đồng thời giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động. Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), tại 6 vùng kinh tế trên cả nước có khoảng trên 1,81 nghìn doanh nghiệp sản xuất hóa chất, trong đó có 894 doanh nghiệp sản xuất phân bón (chiếm 49%), 106 doanh nghiệp sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật (chiếm 16%), 68 doanh nghiệp sản xuất hóa chất cơ bản (chiếm khoảng 4%), 14 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hóa dầu (chiếm 1%)… Ngành công nghiệp hóa chất hiện đem lại việc làm cho 2,7 triệu lao động, trong đó có 725 nghìn lao động trực tiếp tham gia sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ngành công nghiệp Hóa chất vẫn đang duy trì tốt sự tăng trưởng bằng những điểm sáng cả trong sản xuất và tiêu thụ. 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng tháng 6/2022 tăng 7,4% so với tháng bình quân năm gốc 2015. Trong đó sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng cao nhất 7,7% so với 6 tháng đầu năm 2021, trong tháng 6/2022 tăng 20,7% so với tháng bình quân năm gốc 2015; tiếp đến là sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh với 3,8% so với 6 tháng đầu năm 2021, trong tháng 6/2022 tăng 60,6% so với tháng bình quân năm gốc 2015.
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến 8 tháng năm 2021, cơ cấu thị trường xuất khẩu hóa chất của Việt Nam đã có sự chuyển dịch rõ rệt khi thị phần xuất khẩu sang Trung Quốc tăng lên và thị phần của Ấn Độ, Nhật Bản giảm xuống. Theo đánh giá của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), giai đoạn 2016-2020, một số mặt hàng hóa chất xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của thế giới trong cùng giai đoạn. Cụ thể, corundum nhân tạo đã hoặc chưa xác định về mặt hóa học; nhôm ôxit; nhôm hydroxit đạt mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân 23% trong giai đoạn 2016-2020. Trong khi đó, nhập khẩu của thế giới trong giai đoạn này chỉ tăng khoảng 8%. Ngoài ra, hydro, khí hiếm và các phi kim loại khác xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng 5% trong giai đoạn kể trên trong khi thế giới giảm 6%. Cùng với đó, kẽm oxit; kẽm peroxide; oxit titan; clorua; oxit clorua và hiđroxit clorua; bromua và oxit bromua; iotua... cũng đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong giai đoạn 2016-2020.
2. Phát triển công nghiệp hóa chất vai trò là một trong những ngành công nghiệp nền tảng
Đánh giá được tầm quan trọng, vai trò của công nghiệp Hóa chất đối với các ngành công nghiệp khác và với nền kinh tế, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm và định hướng phát triển ngành theo từng giai đoạn. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Theo đó, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là xây dựng ngành công nghiệp Hóa chất với vai trò là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng. Chuyển dịch cơ cấu nhằm gia tăng giá trị tăng thêm của sản phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm; khai thác các lợi thế và cơ hội quốc tế, chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất ngành công nghiệp Việt Nam và thế giới.
3. Chiến lược đặt ra mục tiêu cụ thể
3.1 Chiến lược đặt ra mục tiêu cụ thể
Trong thời gian tới, xuất khẩu hoá chất có nhiều cơ hội cải thiện kim ngạch xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) nhờ tác động từ thuế suất giảm dần về 0% tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Những mặt hàng hóa chất mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội nhờ EVFTA gồm: Hóa chất cơ bản và chất giặt rửa. Cụ thể, theo EVFTA, đối với các mặt hàng chất giặt rửa (HS 3402), thuế suất được điều chỉnh từ 4% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; với mặt hàng phốt pho (HS 2804 7000), thuế suất cũng được điều chỉnh giảm từ 5,5% về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực.